Làng nghề truyền thống Ninh Hòa
Nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, Khánh Hòa có bờ biển dài chạy dọc theo hướng Bắc Nam. Ninh Hòa Khánh Hòa là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, dịch vụ. Bên cạnh nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, Ninh Hòa có những làng nghề truyền thống hấp dẫn du khách.
1. Làng nghề bánh tráng phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa
Đã tồn tại gần 100 năm tại phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, nghề truyền thống bánh tráng Ninh Diêm với hơn 10 lò làm bánh tráng vẫn ngày đêm “đỏ lửa” mà không đủ bánh cung cấp cho thị trường những ngày giáp Tết.
Nghề làm bánh tráng ở Ninh Diêm hình thành từ thời xưa, nổi tiếng với chiếc bánh dẻo thơm, mịn đều (với tên gọi bánh tráng biển). Thuở đầu chỉ có vài hộ làm để vào ăn dịp Tết, dần dà, nhiều người biết đến đặt hàng và các lò bánh mọc lên.
Người làm bánh phải chọn gạo tốt, không được chọn loại mới thu hoạch hoặc để quá lâu ngày, có như vậy bánh tráng mới thơm ngon, không quá dai cũng không bở và để được lâu. Sau đó, gạo được ngâm rồi đem xay thành bột, lọc bỏ phần nước chua rồi pha bột với nước sao cho vừa, không loãng cũng không đặc quá. Nêm thêm chút muối, vị bánh sẽ đậm đà hơn. Về phần lò tráng bánh có cấu tạo gồm phần để đưa củi, nhóm lửa, phần là chiếc nồi nước lớn có căng lớp vải mỏng bên trên để tráng bánh.
Công đoạn tráng bánh cũng rất công phu, lửa chỉ được để lửa liu riu, tráng bánh phải nhanh, đều thì bánh mới tròn, mỏng đều và khi lấy bánh sẽ không bị nát. Ngoài ra, nghề làm bánh tráng rất phụ thuộc vào thời tiết, thợ tráng bánh phải xem trời mai nắng hay mưa để tráng bánh sớm, rồi đem phơi bánh ngay khi nắng vừa lên. Phơi bánh, gỡ bánh cũng không phải chuyện dễ, người phơi phải biết canh nắng để gỡ cho đúng lúc để có chiếc bánh còn nguyên vẹn, không cong vênh. Tiếp đến, xếp bánh thành từng chục rồi dằn cho bằng mặt trước khi giao hàng.
Bánh tráng Ninh Diêm ngoài người dân Khánh Hòa, các tỉnh thành khác biết đến như: Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh… Các sản phẩm bánh tráng Ninh Diêm gồm có: Bánh tráng nướng, bánh tráng nhúng, bánh tráng mè luôn được người tiêu dùng ưu ái lựa chọn với tên gọi là bánh tráng biển. Vào dịp Tết khách thường đặt mua để dùng và làm quà biếu Tết. Hoạt động của làng nghề hàng năm đã giải quyết được hàng trăm lao động là hội viên nông dân tại địa phương, cùng với việc sản xuất luôn ổn định đã làm cho đời sống của hội viên nông dân theo nghề ngày càng phát triển hơn với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Hàng năm, sản phẩm bánh tráng Ninh Diêm luôn tham gia giới thiệu tại các Hội chợ nông sản tại thị xã Ninh Hòa và Phiên chợ nông sản tỉnh Khánh Hòa, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
2. Làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Phong Phú
nghề chế tác đá mỹ nghệ tại Ninh Giang đã có từ hơn 50 năm trước, Trải qua thăng trầm lịch sử, có giai đoạn các sản phẩm gia dụng truyền thống của làng không đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường và cuộc sống hiện đại,Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đa dạng sản phẩm và giữ được nghề những người thợ trong làng đã đi học về điêu khắc mỹ nghệ và chuyển hướng sang chế tác đá mỹ nghệ.
Ngày nay, làng nghề đã bắt kịp xu thế phát triển, đáp ứng khá tốt yêu cầu của thị trường.Trong làng ngày càng có nhiều thợ có tay nghề cao, sản phẩm làm ra đẹp và đa dạng, Từ bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo những người thợ làm nên các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với những đường nét hoa văn tinh xảo. Hiện nay, các sản phẩm đá mỹ nghệ của làng khá đa dạng như bộ đàn đá đôn nấm, đèn đá, đi-văng đá, bồn tắm bằng đá, tượng đá, lục bình, cóc ngậm tiền và các vật dụng dùng hàng ngày như cối xay bột, cối giã muối…
3. Làng nghề Dệt chiếu cói Mỹ Trạch
Làng Mỹ Trạch (Ninh Hà, Ninh Hòa) có nghề dệt chiếu từ lâu đời. Chiếu Mỹ Trạch có tiếng không chỉ do đặc tính của cây cói nơi đây (bền, tốt) mà còn kết tinh từ kinh nghiệm, kỹ thuật dệt và cả tấm lòng người thợ. chiếu Mỹ Trạch còn được hun đúc bởi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làng chiếu.
Cùng với sự phát triển xã hội ngày nay khi nhiều người sử dụng các sản phẩm hiện đại ngày càng nhiều, chiếu Mỹ Trạch và thương hiệu một thời nổi tiếng dần lu mờ đi. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn gắn bó với nghề dệt chiếu truyền thống dù thu nhập thấp. Chính vì sự yêu mến ngành nghề truyền thống của mình, đã khiến cho nghề dệt chiếu không đơn thuần chỉ là một nghề truyền thống của người dân Mỹ Trạch, nó còn là một nét văn hóa mang đậm bản sắc quê hương, là niềm tự hào của ông cha xưa để lại cho mảnh đất này.
4. Làng nghề trồng hoa cúc Ninh Giang
Nằm nép mình bên Quốc lộ 1, làng nghề trồng hoa cúc Phong Phú 2 (phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) được mệnh danh là “ngôi làng của mùa xuân” bởi mỗi độ xuân về, nơi đây cung cấp một lượng lớn chậu hoa cúc cho các tỉnh thành trong cả nước và xuất bán sang Campuchia.
Từ lâu, hoa cúc Ninh Giang được nhiều người biết đến bởi nét đặc thù riêng mà nơi khác không có: Màu hoa tươi, sáng, bông to, lâu tàn, lá dày và xanh, chậu hoa được tạo khối đều đặn, sum suê tượng trưng cho sự sum vầy gia đình trong ngày Tết. Đây là điều mà hoa cúc miền Tây Nam Bộ khó có thể cạnh tranh được bởi chỉ trồng trong các giỏ tre, giỏ nhựa.Với bề dày kinh nghiệm, người dân trồng hoa ở Ninh Giang ngày càng chuyên sâu trong kỹ thuật trồng, điều chỉnh hoa nở đúng vụ, đúng thời điểm, giữ màu hoa lâu phai, lâu tàn, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng. Nếu có dịp về Ninh Giang trong những ngày cuối năm, du khách sẽ cảm nhận được không khí rộn ràng, sôi động của làng hoa ngày Tết. Những bông cúc nở vàng dưới nắng, tràn đầy nhựa sống báo hiệu một mùa xuân ấm áp, vui tươi đang về khắp nơi. Cùng với mai, đào, hồng… hoa cúc Ninh Giang góp phần tô điểm cho mùa xuân thêm đẹp.